Mục lục
Sự tích cây hoa gạo
Theo truyền thuyết thì hoa gạo là hóa thân của một sơn nữ. Cô có người chồng sắp cưới vì lên thiên đình hỏi việc mưa nắng thất thường mà bị giữ lại làm Thần Mưa, trước khi đi, chàng buộc chiếc khăn đỏ vào cánh tay người yêu để dễ nhận biết. Khi hay tin chàng không trở lại, sơn nữ ngày ngày trèo lên cây nêu trông ngóng và rồi nàng xin Ngọc Hoàng biến cô thành cây hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để có thể nhìn thấy người mình yêu, dải vải đỏ biến thành bông hoa để chàng ta nhận ra nàng. Ngọc Hoàng đồng ý, và khi đã được thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn thấy những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Và rồi người ta gọi cây hoa ấy là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm.
Xem thêm: những loài hoa tượng trưng cho tình yêu.
Một các giải thích khác gần gũi hơn, đó chính là hoa gạo có ý nghĩa tượng trưng cho niềm tin, hy vọng về một mùa vụ bội thu. Hoa gạo nở đúng vào tháng 3, khi lương thực vụ mùa cũ đã dần cạn kiệt lại chưa đến mùa thu hoạch mới, người dân bắt đầu lo lắng trăn trở. Mỗi lần nhìn hoa gạo nở người nông dân chân chất đầy bình dị lại muốn gửi gắm nỗi niềm chất chứa trong lòng, mong những điều tốt đẹp sẽ đến, lúa thóc đầy bồ.
Cây hoa gạo đỏ rực bừng sáng giữa đất trời
Bạn biết gì về hoa gạo?
Chẳng giống đa số loài hoa khác, chỉ cần gieo hạt và chăm bón cẩn thận là chúng ta có thể ngắm nhìn bất kỳ lúc nào. Có những loài hoa lại như hoa gạo chỉ ra hoa đúng một lần trong năm làm những con người yêu hoa luôn có cảm giác phải chờ đợi, trong lòng nôn nao khó tả để rồi mỗi độ hoa nở họ lại sung sướng ngất trời khi được chìm đắm trong sắc hoa.
Loài hoa này thuộc họ Bombacaceae, có tên gọi khác giản dị không kém là mộc miên, ở vùng Tây Nguyên thường gọi là Pơ Lang. Nói về nguồn gốc của loại cây này có lẽ bắt nguồn từ Ấn Độ, một đất nước đa dạng về sắc tộc và tôn giáo. Loài hoa này du nhập và được trồng nhiều ở các nước như Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan và rồi khi vào đến nước ta, nó được trồng nhiều ở các làng quê gắn liền với đồng lúa và con những con người mộc mạc. Cứ như vậy đến tận ngày nay hoa gạo trở thành “linh hồn” biểu tượng mỗi khi chúng ta nhắc về làng quê Việt Nam.
Cây hoa gạo trồng nhiều ở đường làng thôn Đoan Nữ
Hoa gạo và những miền kí ức.
Cây hoa gạo trưởng thành có dáng thẳng, cao khoảng 15 – 20 m, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngã màu xám nâu. Những cành non hơn thường có một lớp gai nhọn bao bọc, tán cây xòe rộng tạo bóng mát. Chính vì thế gốc cây gạo là một nơi che nắng tuyệt vời vào những trưa hè oi ả. Nơi các bác nông dân có thể ngồi tựa lưng ở gốc cây uống một cốc nước mát, nghỉ ngơi lấy sức khi đi đồng áng, nơi lũ trẻ trong làng tụ tập cùng nhau chơi lò cò, nhảy dây,.. Đó còn là nơi đôi lứa hẹn hò, dưới tán cây gạo rực sắc như tâm trạng rạo rực nồng cháy của những người yêu nhau.
Có lẽ đối với du khách khi ngắm nhìn hoa gạo sẽ cảm thấy xao xuyến ngất ngây, còn đối với những người dân thôn quê thì thì lại là cả một vùng trời ký ức tươi đẹp mãi chẳng bao giờ quên.
Góc cây gạo trong làng là nơi lưu giữ cả khoảng trời ký ức
Công dụng của hoa gạo
Ngoài công dụng che bóng mát, cây hoa gạo còn có tác dụng chữa bệnh, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian. Theo đông y vỏ và thân cây có vị chát, tính mát có tác dụng thanh nhiệt. Người ta thường dùng rễ và thân trong những bài thuốc trị viêm loét dạ dày, lưu thông khí huyết, bổ máu. Hoa gạo không chỉ đẹp mà cũng có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn cũng được sử dụng để làm đẹp da, trị mụn nhọt…nó còn dùng để ướp trà, giải nhiệt và thải độc rất tốt.
Hoa gạo nở vào tháng 3
Ngắm hoa gạo vào lúc nào, ở đâu là đẹp nhất?
Mỗi độ tháng 3 về, những chùm hoa gạo cháy rực rỡ trên nền trời xanh, cánh hoa nở xòe to ra hơn cả một bàn tay, để rồi khi rụng xuống vẫn nguyên vẹn như mới chớm trổ. Dưới đây là những địa điểm có thể nhìn ngắm hoa gạo đẹp nhất mà Hoa tươi 360 muốn gợi ý cho bạn.
Chùa Hương (Hà Nội)
Nơi đây vốn nổi tiếng với khu du lịch Chùa Hương ngoài ra nơi đây còn nổi danh là mảnh đất phong cảnh nên thơ, hữu tình sông nước. Những hàng cây hoa gạo thân sần sùi cùng những chùm hoa nghiêng mình bên dòng nước đã tạo nên một con đường dẫn vào động Hương Tích đầy thơ mộng.
Vào những ngày đầu của tháng 3 đúng là thời điểm hoa gạo nở đẹp rực rỡ nhất. Những du khách đi trẩy hội Chùa Hương được đắm chìm vào một khung cảnh bồng bềnh trôi nhẹ trên con thuyền và ngắm nhìn những tán hoa gạo hai bên bờ.
Hàng cây gạo ven suối Yến
Tam Giang, Yên Phong (Bắc Ninh)
Chẳng phải đi đâu xa ngay tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong, cạnh ngã ba sông không biết từ bao giờ đã có cây hoa gạo mà vẫn được mệnh danh là “cây gạo đẹp nhất miền Bắc”.
Cứ mỗi dịp tháng 3 về khi hoa gạo nở rỗ đỏ rực bầu trời thì địa điểm này thu hút được rất nhiều du khách đến để tận hưởng cái bầu không khí thanh bình làng quê Bắc Bộ.
Hoa gạo cạnh ngã ba sông
Huyện Yên Minh (Hà Giang)
Trên cung đường uốn lượn, vắt ngang sườn núi chạy qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, hoa Gạo đỏ rực núi đồi.
Màu hoa gạo đỏ như lửa cháy khát khao của con người nơi vùng cao này. Trong đó đẹp và ấn tượng nhất là quãng đường từ xã Cán Tỷ đến xã Đông Hà bởi những cây hoa gạo được mọc thẳng hàng thẳng lối ngang dọc theo dòng sông xanh.
Hoa gạo mọc hai bên con đường
Chẳng ai có thể làm ngơ được trước vẻ đẹp rực rỡ của hoa gạo. Màu sắc đỏ rực bừng sáng cả một khoảng trời mùa hạ khiến lòng người bồi hồi mê đắm. Mùa hoa gạo không quá dài lại khiến người ta càng trở nên trân quý loài hoa này. Nếu có cơ hội du khách đừng nên bỏ qua dịp được ngắm nhìn hoa gạo loài hoa gắn liền với miền quê yên bình với cái tên đầy ý nghĩa về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ hay là cả nỗi niềm chất chứa của người nông dân mỗi khi vào vụ mùa.
Trên đây là câu chuyện và ý nghĩa của loài hoa gạo, mong rằng những chia sẻ của Hoa tươi 360 sẽ giúp bạn hiểu thêm về loài hoa xinh đẹp, bình dị này. Để tìm hiểu thêm về các loài hoa khác bạn có thể xem tại đây bạn nhé.